Đồ gỗ mĩ nghệ

Làng nghề Mộc kênh

Đăng ngày:

Nghề mộc mỹ nghệ ở làng Kênh

 

Làng Kênh, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) đã hình thành từ lâu đời nhưng nghề mộc mỹ nghệ của làng thì mới phát triển mạnh khoảng hơn chục năm gần đây. Làng Kênh xưa là vùng đất trũng. Có câu ca rằng: “Được đồng Sồng no lòng thiên hạ/Trăm cái tội không bằng lỗ lội làng Kênh” để nói về sự khó khăn của làng Kênh thời trước. Những năm trước đây, làng nghề chỉ có hơn 10 hộ làm đồ gỗ, chủ yếu sản xuất đồ mộc dân dụng như bàn ghế, tủ, giường, chạn bát, cửa… với kiểu dáng đơn sơ, giản dị. Đến nay, làng đã có hơn 300 hộ mở xưởng sản xuất đồ mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động và đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề trong năm 2014.

Nhộn nhịp làng nghề

Để kịp các đơn hàng cuối năm, những ngày này, các xưởng sản xuất đồ mộc mỹ nghệ của làng Kênh luôn nhịp nhàng tiếng máy xẻ gỗ, tiếng đục đẽo “lốc cốc”. Nghề mộc được phân bố khắp làng, nhưng tập trung nhiều nhất ở 2 tổ dân phố là Tây Kênh và Đông Bắc Đồng. Sản phẩm gỗ của làng Kênh ngày càng đa dạng từ giường, tủ, bàn ghế đến kệ, ban thờ, sập… đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng. Các sản phẩm làm từ gỗ của người làng Kênh luôn được người tiêu dùng yêu chuộng, sử dụng nhiều trong các công trình kiến trúc, từ gia đình đến văn phòng, biệt thự. Từ những khối gỗ vô tri, người thợ mộc của làng Kênh đã thổi hồn vào đó, biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật mang đầy vẻ sống động với những đường nét tinh xảo. Công việc nào cũng cần những người làm có sức khỏe, nhưng với nghề mộc, điều quan trọng ngoài sức khỏe là khả năng sáng tạo, say mê với những sản phẩm của mình làm ra.

Chúng tôi tới thăm cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình anh Lương Quang Quyết, tổ dân phố Đông Bắc Đồng, một trong những chủ cơ sở mộc dân dụng lớn nhất nhì Thị trấn Cổ Lễ khi gia đình anh đang gấp rút hoàn thiện lô sản phẩm để kịp giao hàng cho khách. Năm nay, mới gần 40 tuổi nhưng hiện anh Quyết đã làm chủ một xưởng gỗ với hơn 50 lao động. Dù đã nhiều năm làm nghề nhưng anh chưa bao giờ từ bỏ thói quen tự mình cẩn thận kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất xưởng. Với anh, một chiếc kệ lim, một chiếc sập gụ đẹp… không phải nhìn bằng mắt thường, mà phải cảm nhận bằng tâm thái của mình. Đó là những đường nét sắc sảo, tinh tế được thể hiện trên từng sản phẩm. Anh Quyết cho biết: “Bây giờ dù có các loại máy cưa, bào, soi chỉ... hỗ trợ các bước bào, đục, đẽo, chạm trổ…, nhưng đến công đoạn hoàn thiện, cánh thợ mộc vẫn dùng biện pháp thủ công. Người thợ tâm huyết sẽ chọn cách làm như vậy, họ gửi cả tình yêu nghề vào trong từng đường nét, họa tiết của gỗ. Ngày xưa, để giữ độ bền, bóng, người ta không dùng véc-ni hoặc sơn phủ P.U như bây giờ, mà dùng lá chuối khô hoặc dùng sáp (đèn cầy) đánh thật bóng, nên giữ được độ bền lâu hơn nhiều”. Theo anh Quyết, khoảng chục năm trở lại đây, nghề mộc đã đỡ nhọc nhằn hơn trước, nhờ sự hỗ trợ của máy móc hiện đại. Tuy nhiên, với những sản phẩm phức tạp và giàu tính mỹ thuật thì bàn tay, khối óc con người vẫn đóng vai trò quan trọng. Trước đây, để làm được bộ bàn ghế tựa thế đào, trúc… anh cùng những người thợ của mình phải mất hàng tháng ngồi đục, gọt, tách tỉa… rồi đánh bóng tới từng chi tiết của sản phẩm. Hiện nay, mỗi tháng cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình anh xuất từ 350-400 sản phẩm. Để tiêu thụ được lượng hàng lớn như vậy, anh đã dày công tìm hiểu thị trường, tìm đối tác. Đến nay, với hơn 40 bạn hàng trên toàn quốc, cơ sở của anh không phải lo nhiều về khâu tiêu thụ sản phẩm.

Cửa hàng giới thiệu sản phẩm của gia đình anh Ngô Văn Hoài (bên phải), tổ dân phố Tây Kênh, làng Kênh, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).
Cửa hàng giới thiệu sản phẩm của gia đình anh Ngô Văn Hoài (bên phải), tổ dân phố Tây Kênh, làng Kênh, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).

Còn cơ sở của anh Ngô Doãn Hoài ở tổ dân phố Tây Kênh lại chuyên về đồ kệ, tủ với các loại chất liệu gỗ dổi, lim, gụ, trắc, cẩm lai… Theo anh Hoài, tùy từng loại sản phẩm, kiểu dáng mà giá bán của kệ lim, kệ gụ khác nhau. Chẳng hạn với loại kệ bằng gỗ dổi, giá có thể dao động từ 7-10 triệu đồng hoặc với loại kệ bằng gỗ lim có thể từ 8-15 triệu đồng. Nhưng cùng là kệ bằng gỗ lim, giá trị cũng chênh lệch nhiều do kiểu dáng hoặc loại gỗ lim có xuất xứ khác nhau như lim nhập khẩu từ Lào đắt hơn so với lim nhập khẩu từ In-đô-nê-xi-a hay Nam Mỹ… Để có vốn đầu tư, anh phải thế chấp nhà ở, xưởng, vay Ngân hàng NN và PTNT 200 triệu đồng. Ngoài ra, anh vay mượn thêm anh em, bạn bè để đầu tư mua nguyên liệu sản xuất và các loại máy móc như: máy cưa, máy xẻ, bào máy các loại… Với diện tích nhà xưởng rộng chừng hơn 400m2, anh Hoài vừa dành để làm kho hàng, vừa làm nơi “pha gỗ” để cung cấp cho 10 xưởng mộc trong làng. Bình quân mỗi tháng anh xuất bán 300-400 sản phẩm cho các khách hàng trong Nam, ngoài Bắc. Hiện nay, cơ sở của anh đang tập trung cho đơn hàng xuất đi Thành phố Hồ Chí Minh. Không chỉ đòi hỏi có đôi mắt tinh anh và tính kiên trì cao, năng khiếu bẩm sinh còn là yếu tố quan trọng làm nên thành công đối với người thợ mộc. Anh Hoài bộc bạch: “Từ bé, tôi đã theo bố đi học nghề mộc. Nghề này đòi hỏi người thợ rất nhiều ở tính tỉ mỉ và sự kiên nhẫn. Nhìn bề ngoài, mỗi người thợ mộc đều có vẻ phong trần, bụi bặm, nhưng bên trong họ luôn chất chứa tình yêu nghề, cái chất nghệ sĩ luôn có sẵn trong mỗi người làm mộc”. Nhưng theo anh Hoài, không phải ai theo nghề mộc cũng đều nổi tiếng. Mỗi người có một sức sáng tạo riêng, có thế mới cho ra những tác phẩm tinh xảo, để đời. Từ chất liệu gỗ, những người thợ mộc đã tạo cho những sản phẩm làm ra những nét đặc trưng riêng, khác biệt. Các sản phẩm luôn được sáng tạo với nhiều mẫu mã mới. Nhờ nghề mộc, người dân làng nghề có cuộc sống sung túc. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Hỗ trợ làng nghề phát triển

Làng nghề mộc mỹ nghệ ở làng Kênh đang từng bước hội nhập và phát triển. Nhiều cơ sở sản xuất đã năng động tìm kiếm, mở rộng thị trường. Ngoài việc tự sản xuất, làm cơ sở đầu mối, nhiều cơ sở đã liên kết sản xuất với các xưởng mộc trong làng. Anh Lương Đức Duy

ở tổ dân phố Đông Bắc Đồng mở xưởng mộc đã 3 năm nay. Để đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất đồ mộc nội thất cao cấp cần phải đầu tư một số vốn nhất định song đây vẫn là một “rào cản” để anh có thể phát huy sở trường. Đầu tháng 3-2014, thông qua tổ chức Hội Nông dân (HND), anh được Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương cho vay 20 triệu đồng. Số vốn không nhiều nhưng thật sự đáng quý với cơ sở sản xuất của gia đình anh. Có thêm vốn, anh đầu tư mua máy cưa xẻ gỗ và nguyên liệu gỗ để sản xuất. Từ ngày có thêm máy, công việc của xưởng cũng chạy hơn. Theo đồng chí Vũ Mạnh Khỏa, Chủ tịch HND Thị trấn Cổ Lễ cho biết, đầu năm 2014, được Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương HND Việt Nam hỗ trợ 500 triệu đồng, 25 hộ nông dân Thị trấn Cổ Lễ đã tham gia Dự án “Phát triển đồ mộc dân dụng”. Với số vốn này, các hộ vay vốn đã có thêm vốn để mở rộng quy mô sản xuất. HND thị trấn cũng đang tích cực làm “cầu nối” để hỗ trợ hội viên vay vốn từ Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN và PTNT.

Tuy vậy, nghề mộc mỹ nghệ ở làng Kênh vẫn còn nhiều khó khăn, cần sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ làng nghề phát triển theo hướng bền vững. Trước mắt, điều cần nhất đối với những cơ sở sản xuất là vấn đề vốn. Với nghề mộc, mỗi cơ sở cần từ 200 đến 300 triệu đồng vốn đầu tư ban đầu để mua máy móc, gỗ nguyên liệu nên không phải hộ gia đình nào cũng đủ tiền để đầu tư. Vì vậy, các hộ sản xuất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của các tổ chức tín dụng để tạo điều kiện cho các hộ làng nghề mở mang sản xuất. Bên cạnh đó, lao động làng nghề cần được nâng cao tay nghề thông qua việc đào tạo nghề, áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Làng nghề cũng cần hỗ trợ về trao đổi thông tin thị trường, xúc tiến thương mại… nhằm quảng bá sản phẩm để vừa có thể sản xuất, vừa có thể xây dựng “tua” du lịch làng nghề. Việc này làm không phải một sớm một chiều mà cần có chiến lược lâu dài thì làng nghề mới có sự khởi sắc./.

Bình luận